TINH HOA XANH

Nam dược trị nam nhân và quan niệm hiện đại về môi trường của Tuệ Tĩnh

Nam dược trị nam nhân và quan niệm hiện đại về môi trường của Tuệ Tĩnh

Tuệ Tĩnh tên chính là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu Hồng Nghĩa, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Ông sinh ra ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng), tỉnh Hải Dương. Vì sinh ở làng Nghĩa Phú, phủ Thượng Hồng, nên Tuệ Tĩnh đặt biệt hiệu là Hồng Nghĩa. Theo một số tài liệu, Tuệ Tĩnh sinh vào đời Trần (1225 – 1314).

 

 

Tương truyền Tuệ Tĩnh là một nhà sư thông minh lỗi lạc, thi đậu đệ Nhị giáp Tiến sỹ tức Hoàng giáp, lại giỏi thuốc nên bị bắt đi cống cho nhà Minh. Ở Trung Quốc, Tuệ Tĩnh chữa cho Tống Vương phi (vợ vua Minh) khỏi bệnh sản hậu nên được phong là “Đại Y Thiền sư”.

Sự nghiệp của Tuệ Tĩnh để lại cho thế hệ sau gồm 2 tác phẩm chính: Hồng Nghĩa giác tư y thư và Nam dược thần hiệu. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu, sử dụng những cây cỏ Việt Nam (thuốc Nam) để điều trị cho người Nam, giúp dân nghèo chữa khỏi bệnh bằng những loại thuốc rẻ tiền, dễ kiếm, dễ áp dụng. Ông còn sưu tầm các bài thuốc trong dân gian, thu thập các kinh nghiệm trị bệnh của Trung y, từ đó tạo dựng nên một sự nghiệp y dược mang tính dân tộc, đại chúng và sáng tạo, làm nền móng cho nền Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Nhiều thế kỷ qua, những thày thuốc theo phương pháp trị liệu của Tuệ Tĩnh đã thực hành chữa bệnh có kết quả. Ngay cả Hải Thượng Lãn Ông – một bậc đại y tôn Việt Nam ở thế kỷ 18 - cũng đã chịu ảnh hưởng của Tuệ Tĩnh trong việc biên soạn cuốn Lĩnh Nam bản thảo - một công trình nghiên cứu về thuốc Nam đến nay vẫn còn giá trị. Lịch sử y học nước ta coi Tuệ Tĩnh là một bậc đại thiền, đại nho, đại y Việt Nam.

Trong tác phẩm “Nam dược thần hiệu” (Thuốc Nam hiệu nghiệm như thần), ông đã tổng kết được nhiều kinh nghiệm sử dụng thuốc Nam chữa bệnh, mô tả hơn 500 loài cây thuốc có ở Việt Nam, thể hiện đường lối “tự lực cánh sinh, độc lập kinh tế” trong lịch sử dựng nước của ông cha ta từ ngàn xưa. Ông chủ trương “Thuốc Nam chữa bệnh người Nam” (Nam dược trị Nam nhân). Tư tưởng này còn thể hiện một quan điểm về môi trường rất hiện đại, với triết lý “Thiên Nhân hợp nhất”, coi thiên nhiên với con người hoà hợp làm một, khuyên người ta chung sống với môi trường, dựa vào môi trường để khắc phục những tác động do môi trường gây ra cho con người. Càng ngẫm nghĩ càng thấy cái triết lý đó thật sâu sắc. Hãy thử đặt câu hỏi: tại sao nhân dân ta hay mắc những bệnh đặc trưng cho vùng nhiệt đới gió mùa với khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm, mưa nhiều và ẩm thấp, điển hình là các bệnh thấp, các bệnh cảm nhiễm phong, hàn, nhiệt rất thường gặp? Nhưng không sao, mảnh đất ấy, khí hậu ấy đã gây nên những bệnh tật ấy cho con người thì cũng chính từ mảnh đất đó, khí hậu đó đã sinh ra những loài cỏ, cây, hoa, trái… có tác dụng điều hoà lại âm – dương, hàn – nhiệt, lấy lại cân bằng cho cơ thể và chữa khỏi bệnh cho con người. Tôi là người có may mắn được thừa kế chút ít kiến thức Y học cổ truyền của ông cha, được đào tạo trở thành người lính quân y, có cơ hội được đem cái vốn liếng nhỏ bé ấy phục vụ cho sức khoẻ của đồng đội và đồng bào trong những năm tháng chiến tranh gian khó khi mà thuốc men (tân dược) không phải lúc nào cũng sẵn, cũng đủ cho mọi lúc, mọi nơi. Càng sử dụng tôi càng thấy thấm thía cái triết lý nói trên bởi cái thần kỳ trong hiệu quả chữa bệnh nhiều lúc bất ngờ: Cảm nắng đã có củ Sắn dây; cảm lạnh ăn cháo Hành, Tía tô nóng; cảm gió thì đánh gió bằng Gừng giã nhỏ chưng với rượu, hoặc dùng lá Trầu không với dầu hoả… (mà cái hay là chỉ có thuốc Nam mới phân biệt các loại cảm phong – hàn – nhiệt, còn “thuốc Tây” thì nhất nhất đều dùng các hoá chất “giảm đau hạ nhiệt”, làm không ít người bệnh bị nguy hiểm đến tính mạng, trong khi bị sốt xuất huyết, nếu sử dụng thuốc Nam lại rất an toàn và hiệu quả)…. Đấy là những bệnh thông thường, còn những bệnh cấp cứu như bị rắn độc cắn đã có hạt cây Vông vang, lá Phèn đen… nghĩa là với bất cứ bệnh chứng gì mà dân ta mắc phải thì cũng có ngay những loại cây cỏ có tác dụng chữa trị tương ứng.

Triết lý này cũng phù hợp trong quan điểm phòng bệnh, giữ gìn sức khoẻ. Đất nước ta có nhiều thuỷ hải sản, nhiều loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Các cụ ta thường xếp chúng vào loại thực phẩm có tính hàn, ăn vào dễ đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, trong nấu nướng, thường sử dụng một số loài cây cỏ làm gia vị cho tính ôn ấm để hài hoà như Tía tô, Lá lốt, Hành, Tỏi, Gừng, Nghệ, Riềng, Xả, Ớt, Hạt tiêu…

Trong sinh hoạt ngày nay, với nhiều sản phẩm công nghiệp tràn ngập trên thị trường đã làm người ta lãng quên nhiều loại hoa lá quanh mình rất hữu ích cho cuộc sống. Người ta quen dùng các loại “shampoo” gội đầu mà bỏ qua thứ quả Bồ kết đun với lá Bưởi, lá Chanh, vừa sạch gầu, vừa trơn tóc lại giữ được hương thơm thiên nhiên tươi mát; người ta đua nhau dùng các loại kem “dưỡng da” cao cấp đắt tiền mà quên mất các loại quả chín bốn mùa vừa bổ dưỡng, vừa có thể dùng xoa đắp lên mặt giúp da mịn màng, nhuận sắc như Cà chua, Chanh, các loại Dưa leo… hoặc không biết cách chế lấy dầu từ màng đỏ hạt Gấc - một loại thuốc quý, không chỉ dùng ngoài da mà còn chữa còi xương, suy dinh dưỡng, khô mắt ở trẻ nhỏ.

Ngày nay không chỉ nước ta và các nước có nền Y học cổ truyền ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương biết sử dụng cây cỏ làm thuốc, mà ở nhiều nước phát triển trên thế giới đang ngày càng có xu hướng quay lại với thảo dược để tận dụng các hoạt chất gần gũi với thiên nhiên, ít độc hại cho con người; trong khi chúng ta đang sẵn có truyền thống và dồi dào nguồn dược liệu do thiên nhiên ban tặng, lẽ nào lại coi nhẹ ?

Caythuocquy.info.vn

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""