TINH HOA XANH

Nuôi trồng Dược liệu: Húng Quế

HÚNG QUẾ

Tên khoa học: Ocimum basilicum L.

Họ: Bạc hà .LAMIACEAE

Tên khác: Húng giổi, rau é, é tía, húng chó...

Tên vị thuốc: Húng quế. Cây húng quế

Phần I. Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Húng quế là loài cây nhiệt đới, hiện được trồng khá phổ biến ở các nước nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á. Ở nước ta được trồng rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước để làm gia vị và chưng cất tinh dầu.

2. Đặc điểm thực vật

Cây bụi nhỏ, cao tới 50 - 80 cm, có mùi thơm đặc biệt. Cành vuông. Lá đơn, mọc đối, màu lục bóng, hơi khía răng ở mép. Hoa mọc thành chùm đơn, dài đến 20 cm, gồm những vòng 5 - 6 hoa cách xa nhau. Hoa nhỏ, có tràng hoa màu trắng hay hồng, chia hai môi; môi dưới hơi tròn, còn môi trên chia thành 4 thùy đều nhau. Quả bế tư, rời nhau, mỗi quả chứa 1 hạt đen, khi ngâm vào nước có chất nhầy màu trắng bao quanh. Mùa hoa, quả: Tháng 5 - 8. 

3. Điều kiện sinh thái

Húng quế có thể trồng được ở các vùng khí hậu của nước ta, trong đó tập trung tại các tỉnh đồng bằng bắc bộ như Hưng Yên, Hải Dương đã trồng với quy mô lớn để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhiệt độ thích hợp đề trồng húng quế từ 25 - 30oC, lượng mưa 1.500 - 1.800 mm. Húng quế là cây ưa ẩm, ưa sáng, thích hợp với đất thoát nước, có nhiều mùn, sinh trưởng quanh năm, tốt nhất là vào mùa hè, về mùa đông cây ra hoa, kết hạt và lụi. Đất thích hợp để trồng húng quế là đất phù sa, giàu dinh dưỡng, các đất khác vẫn trồng được nhưng năng suất, chất lượng kém hơn.

4. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng:

- Lá và ngọn có hoa phơi hay sấy khô.

- Toàn cây (cất tinh dầu).

Công dụng: Húng quế ở Việt Nam chủ yếu sử dụng làm gia vị, thuốc chữa cảm cúm, đầy bụng khó tiêu, đau dạ dày, viêm ruột, ỉa chảy, kinh nguyệt không đều, chấn thương bầm giập, thấp khớp, tạng khớp. Dùng ngoài trị rắn cắn và sâu bọ đốt, eczema, viêm da.

Phần II. Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Cây húng quế có thể sinh trưởng ở các vùng sinh thái khác nhau nhưng ở các vùng khí hậu ấm áp, húng quế cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Nhiệt độ thích hợp đề trồng húng quế từ 25 - 30oC, lượng mưa 1.500 - 1.800 mm. Đất thích hợp để trồng húng quế là đất phù sa, giàu dinh dưỡng, độ pH: 5,5 - 6,0, các đất khác vẫn trồng được nhưng năng suất, chất lượng kém hơn. 

2. Giống và kỹ thuật làm giống Giống:

Ở các vùng trồng húng quế hiện nay tồn tại 2 loại: Húng quế lá thẳng và húng quế lá xoăn. Trong đó, giống húng quế lá xoăn là tốt nhất, cho năng suất và hàm lượng tinh dầu cao. Nên dùng hạt mới thu hoạch, không nên dùng hạt để lâu, tỷ lệ mọc mầm giảm, chọn hạt già, đảm bảo chất lượng. Nếu gieo thẳng thì lượng hạt cần dùng 8 - 10 kg/ha trồng lấy dược liệu, có tỷ lệ mọc từ 75% trở lên. Nếu gieo trong vườn ươm thì lượng hạt cần dùng để gieo cho 1ha vườn ươm là 27 - 30 kg, đủ giống trồng cho 5 - 6 ha.

Làm đất vườn ươm: Cần chọn đất tơi xốp, bằng phẳng, thuận tiện tưới tiêu, nhặt sạch cỏ dại, cày hoặc cuốc sâu 20 cm. Phơi ải, bừa kỹ. Lên luống: Lên luống cao 20 cm, rộng 80 - 90 cm, dài tùy ruộng.

Phân bón: Bón lót gồm phân chuồng hoai mục bón 10 tấn + 100 kg phân lân + 100 kg phân kali clorua cho 1ha vườn ươm, các loại phân trộn đều rải trên mặt luống, xáo nhẹ và san phẳng mặt luống để lấp phân. Bón thúc vườn ươm cần 10 kg urê/ha pha loãng tưới cho cây. Gieo hạt: Hạt được lựa chọn, trộn đều đất bột khô, chia đều cho các luống, gieo làm 3 lần, lấp đất dày 1 - 2 cm, phủ một lớp rơm rạ hoặc trấu mỏng lên trên mặt luống sau khi gieo. Chăm sóc vườn ươm: Luôn tưới đủ ẩm, nếu không mưa hàng ngày tưới 1 lần vào buổi chiều mát. Sau 5 - 7 ngày hạt mọc, khi hạt mọc chọn ngày không mưa bỏ rơm rạ, tưới ẩm, thường xuyên làm cỏ tỉa loại bớt cây bị sâu hại, định kỳ 7 - 10 ngày tưới nước phân đạm pha loãng (2 - 3%).

Tiêu chuẩn cây giống: Sau khi gieo khoảng 25 - 30 ngày, khi cây con cao khoảng 7 - 10cm, không dị dạng, sạch bệnh, bộ rễ khỏe, bứng cây ra trồng. Chú ý khi trồng bứng cây cẩn thận tránh gẫy dập và đứt rễ cây con. 

3. Thời vụ trồng

Húng quế có thể gieo trồng quanh năm, nhưng tốt nhất gieo hạt vườn ươm tháng 1 - 2; bứng trồng cây con tháng 2 - 3. Thu dược liệu tháng 5 - 6. Thu hạt giống tháng 7 - 8.

4. Kỹ thuật làm đất

Nên chọn đất tơi xốp, nhiều mùn, dễ tưới và thoát nước, pH 5,5 - 6,0 đất cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại trước khi trồng. Đất sau khi được cày sâu 20 - 25 cm, phơi ải, bừa kỹ, dọn sạch cỏ. Lên luống cao 20 cm, rộng luống 1 m, dài luống tùy ruộng. Bổ hốc với khoảng cách 30 x 30 cm.

5. Mật độ, khoảng cách trồng

Mật độ 110.000 cây/ha. Trồng cây thành 3 hàng dọc theo luống, khoảng cách 30 cm x 30 cm.

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Loại phân Lượng phân/ha (kg) Lượng phân/ sào Bắc Bộ (kg) Tỷ lệ bón %
Phân chuồng 13.000- 15.000 500 - 556 Bón lót 100
Đạm ure 190 - 210 7 - 8 Bón thúc 100
Supe lân 270 - 320 10 - 12 Bón lót 100
Kali clorua 190 - 210 7 - 8

Bón lót 50

Bón thúc 50

 Thời kỳ bón

- Bón lót: toàn bộ lượng phân chuồng hoai mục + toàn bộ lượng phân lân và ½ lượng phân kali theo các hốc đã bổ sẵn.  

- Bón thúc: Toàn bộ phân đạm và kali còn lại được chia làm 3 - 4 lần bón thúc kết hợp với các lần làm cỏ, xới xáo.

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng

Khi cây con đạt tiêu chuẩn, bứng trồng theo hốc, mỗi hốc 1 cây. Trồng thẳng rễ, ấn chặt rễ, trồng xong tưới ngay. Nên trồng vào chiều mát, sau 5 - 7 ngày cây bắt đầu bén rễ hồi xanh. Chăm sóc Chia làm 3 thời kỳ chính:

- Thời kỳ 1: Khi cây bén rễ hồi xanh kết hợp dặm cây chết, xới xáo, bón ¼ lượng đạm, vun luống, tưới nước.

- Thời kỳ 2: Sau kỳ 1 khoảng 20 - 25 ngày, làm cỏ, xới xáo, bón thúc ¼ phân đạm + ¼ phân kali.

- Thời kỳ 3: Sau kỳ 2 khoảng 30 ngày kết hợp làm cỏ, xới xáo, bón thúc lần cuối số phân còn lại. Lưu ý: Kỳ bón thúc cuối cùng trước khi thu dược liệu 15 - 20 ngày. Tưới nước Khi trồng cây trong vòng 7 ngày phải đảm bảo độ ẩm thường xuyên 90 - 95%, sau đó độ ẩm cần đảm bảo 65 - 70%. Khi gặp mưa úng cần tháo nước ngay.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Húng quế nhìn chung ít bị sâu bệnh phá hại, chỉ có sâu xám và bệnh lở cổ rễ hại chủ yếu ở giai đoạn cây con. Sâu xám (Agrotis ipsilon) Đặc điểm gây hại: Thường gây hại ở thời kỳ cây con. Loài sâu này thường gây hại vào ban đêm, ăn lá non hoặc cắn đứt ngang các thân và cành non. Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có những chấm đen mờ.  Biện pháp phòng trừ - Cày, phơi ải đất trước khi trồng 2 tuần để tiêu diệt trứng và nhộng. Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu. - Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu. - Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy: Cho 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước vào trong bình đậy kín, sau 3 - 4 ngày khi thấy mùi chua ngọt thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Sau 2 - 3 ngày nhúng lại 1 lần. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và chết. - Ruộng bị sâu hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu như: Thiamethoxam (ví dụ Actara 25WG, 350FS), Abamectin (ví dụ Shertin 3.6EC, 5.0EC). Hòa thuốc với nước theo tỷ lệ khuyến cáo ở bao bì, phun vào chiều tối. Nếu mật độ sâu cao nên phun kép hai lần cách nhau 5 ngày. Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia sp.) Đặc điểm gây hại: Bệnh lở cổ rễ thường xuất hiện ở giai đoạn cây con, đặc biệt trong giai đoạn vườn ươm. Triệu chứng bắt đầu với vết đốm màu nâu nhỏ ở gốc thân sát mặt đất. Triệu chứng phát triển xung quanh gốc thân và lan rộng đến rễ. Vùng rễ nhiễm bệnh bị thối, cây con héo rũ và chết. Biện pháp phòng trừ - Thường xuyên kiểm tra vườn ươm, loại bỏ và tiêu hủy những cây con bị bệnh để giảm thiểu sự lây lan của bệnh. - Nếu bệnh gây hại nặng có thể dùng một số loại thuốc trừ nấm như: Pencycuron (ví dụ: Monceren 250 SC, Vicuron 25 WP, 250 SC); Validamycin + Polyoxin B (ví dụ: Ukino 60SC, 95WP); Validamycin 199 (ví dụ: Validacin 3L, 5L, 5SP; Tung vali 3SL, 5SL, 5WP, 10WP). Tưới hoặc phun trực tiếp dung dịch thuốc trừ nấm vào gốc cây.

9. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch

- Thu dược liệu: Khi húng quế bắt đầu có nụ (cuối tháng 5, đầu tháng 6), dùng liềm cắt phần cành có mang lá.

- Thu hạt giống: Cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi hạt có màu đen chọn ngày nắng ráo cắt toàn bộ cành mang quả. Sơ chế: Dược liệu để tươi hoặc phơi héo bớt nước cho vào cất tinh dầu. Hạt thu về ủ 1 - 2 ngày, đem phơi, đập, sàng lấy hạt, loại bỏ các hạt lép, lửng. Bảo quản: Khi dược liệu húng quế khô, đảm bảo tiêu chuẩn, bảo quản trong bao nilon, bên ngoài bọc bao tải dứa hoặc các loại bao tải chống ẩm khác, để nơi khô ráo không được ẩm ướt. Khi bảo quản trong kho để trên giá hoặc kệ cao cách mặt đất ít nhất 5cm, húng quê ít bị mối mọt. Hạt bảo quản trong kho lạnh.

10. Tiêu chuẩn dược liệu Mô tả:

Dược liệu có màu xanh hơi nâu, được cắt thành từng đoạn ngắn từ 2 - 3 cm. Độ ẩm không quá 12,0%; Tạp chất không quá 5,0%; Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không được ít hơn 0,5% tính theo dược liệu khô kiệt. 

Sách Kỹ thuật trồng cây thuốc

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""